Tệ Nạn Và Ứng Xử Thiếu Văn Hóa Làm Xấu Hình Ảnh Du Lịch Việt
Việt Nam là nơi có bề dày lịch sử, nơi lưu giữ những nét tinh hoa văn hóa còn nguyên sơ khiến người nước ngoài thích thú đến tham quan, tìm hiểu, khám phá.
Thế nhưng, thỉnh thoảng xảy ra một số tệ nạn trộm cắp, lừa lọc, ứng xử kém văn hóa, hành hung du khách... đang làm mất đi hình ảnh đẹp của người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.
Nhiều địa danh du lịch nổi tiếng như Hà Nội, vịnh Hạ Long, Quảng Bình, Đà Nẵng, Hội An, Đà Lạt, Nha Trang, Vũng Tàu… là những nơi du khách thường xuyên tới. Mỗi vùng, địa danh là một nét văn hóa khác nhau, đa dạng và phong phú. Việt Nam vốn xinh đẹp là vậy, nhưng vẫn còn tồn tại một số tệ nạn khiến hình ảnh du lịch Việt trở nên xấu đi trong mắt bạn bè quốc tế.
Du lịch Việt dưới mắt người nước ngoài
Anh Cédric Mao, một du khách người Pháp, chia sẻ: "Khi đi du lịch tại Vũng Tàu, tôi thấy người dân vứt rác xuống biển. Đó là điều tôi cảm thấy bất an khi sử dụng các dịch vụ ăn uống tại đây. Tôi lo ngại thực phẩm và môi trường bị ô nhiễm sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe không chỉ riêng tôi, mà còn cho rất nhiều người khác khi đến đây lưu trú. Người dân vẫn còn ý thức kém về bảo vệ môi trường. Danh lam thắng cảnh đất nước bạn rất tuyệt vời, từ dân tộc đến văn hóa, mà một số nước khác không có được. Chỉ là do các bạn quảng bá chưa thực sự hiệu quả để giới thiệu đến du khách quốc tế".
Bà Mélanie, du khách người Anh chia sẻ: “Nạn kẹt xe khiến tôi vất vả mỗi khi di chuyển, chỉ một đoạn đường ngắn, thay vì mất 15 phút đã có thể đến nơi, thì tôi phải mất 1 tiếng đồng hồ”.
Trên thực tế, Việt Nam là địa điểm du lịch có giá cả hợp lý và dễ chịu nhất so với hầu hết các nước khác trên thế giới, nên những năm trở lại đây đã trở thành điểm đến hấp dẫn đối với nhiều du khách Quốc tế. Trang Happy Lifestyle Journal so sánh, cùng một số tiền, du khách có thể thoải mái ở trong khách sạn 5 sao hay resort cao cấp nhất tại các địa điểm du lịch ở Việt Nam, nhưng chỉ đủ tiền để ở một khách sạn 3 sao bình dân tại New York. Do đó, khách nước ngoài có thể trải nghiệm thoải mái hơn, cũng như lưu trú lại Việt Nam lâu hơn mà không lo tốn kém.
Ứng xử thiếu văn hóa làm du lịch xấu đi
Không tận dụng được thế mạnh, có lúc một số người Việt lại làm mất điểm trầm trọng về văn hóa ứng xử. Mới đây nhất, hình ảnh nhân viên nhà xe quát mắng, ném ba lô và đuổi khách nước ngoài xuống giữa đường tại Nha Trang, rất phản cảm. Ngay sau đó, trên trang cá nhân của một tài khoản facebook nước ngoài, đã cho đăng một đoạn clip cùng status về sự việc xảy ra trên chuyến xe buýt ở Việt Nam khiến nhiều người bức xúc. Điều này khiến vị khách đó rất buồn và không có ý muốn quay lại Việt Nam lần nào nữa. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, đây được xem là hành vi bất lịch sự, khiếm nhã gây ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh du lịch, sự việc tuy nhỏ nhưng thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp trong cách phục vụ và làm du lịch ở nước ta.
Trường hợp hai vợ chồng người đàn ông chừng 50 tuổi (quốc tịch Hà Lan) đã bị 5 thanh niên đánh hội đồng sau vụ va chạm xe máy ở Sa Pa (Lào Cai), cũng rất phản cảm. Trước đó, vào cuối tháng 6, trên mạng xuất hiện video ghi lại cảnh hai thanh niên đánh người nước ngoài chảy máu mũi sau vụ va chạm giao thông tại Hà Nội. Thậm chí, bạn gái của người này cũng bị đánh khiến dân mạng rất bức xúc và phẫn nộ.
Tháng 9/2015, tại Quảng Bình, nữ du khách Kelly Emma Kirsty (quốc tịch Anh) đi du lịch tại hang Tối thuộc Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, đã bị 2 nhân viên nơi đây hành hung, đe dọa, đòi tiền chuộc lại chiếc máy ảnh đánh rơi. Những hình ảnh ghi lại cảnh 2 người đàn ông "tự sướng" sau khi lấy máy ảnh của chị được chia sẻ trên mạng gây phẫn nộ trong dư luận. Ngành du lịch Quảng Bình gần như hứng trọn những chỉ trích về vụ việc này. Chưa kể, nạn "chặt chém" lộng hành, ví dụ như câu chuyện dẫn tour cho gia đình David thăm chùa Hương với giá 4 triệu đồng gồm phí đi cáp treo và thuyền máy, lại còn cố gắng bán thêm lễ vật và vòi tiền tip (thưởng thêm) từ du khách vào cuối hành trình.
Hành động xấu của một số ít người và cách làm du lịch thiếu chuyên nghiệp của một số cơ sở dịch vụ đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến du lịch nước nhà. Muốn đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thì trước hết phải phá vỡ được rào cản văn hóa ứng xử. Còn những hình ảnh vô ý thức, kém văn minh, thì làm sao người Việt, du lịch Việt phát triển, sánh bằng bạn bè quốc tế.
Tác giả:Hải Đăng
Theo nguồn:NTD